Xuất nhập khẩu 11 tháng thấp nhất trong ba năm

Do doanh nghiệp khó khăn về đơn hàng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng chỉ đạt 620 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ.

 Xuất nhập khẩu 11 tháng thấp nhất trong ba năm Do doanh nghiệp khó khăn về đơn hàng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng chỉ đạt 620 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ. Theo báo cáo sản xuất công nghiệp, thương mại được Bộ Công Thương công bố hôm nay, xuất khẩu hàng hóa tháng 11 không giữ được nhịp tăng như tháng trước, khi kim ngạch giảm gần 4%, xấp xỉ 31,1 tỷ USD.

Bình quân 5 tháng gần đây, theo tính toán của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu đạt 30 tỷ USD một tháng, cao hơn mức 27,45 tỷ USD nửa đầu năm. Điều này cho thấy xuất khẩu tiếp tục khởi sắc, giúp rút ngắn đà suy giảm so với năm ngoái. Tính chung 11 tháng, xuất khẩu đạt 322,5 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ 2022. Mức suy giảm được thu hẹp, chỉ bằng một nửa so với đầu năm (12%), theo Bộ Công Thương.
Số liệu của cơ quan quản lý thương mại cũng cho thấy, nhập khẩu tháng 11 chỉ tăng 1% so với tháng trước, đạt 30 tỷ USD. Lũy kế 11 tháng, chỉ tiêu này đạt gần 297 tỷ USD, thấp hơn 11% cùng kỳ năm trước. Khu vực kinh tế trong nước và nước ngoài vẫn ghi nhận xu hướng nhập khẩu nguyên phụ liệu, máy móc, hàng hóa hạ 9% và 11,7% so với năm ngoái.
Như vậy, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng đạt gần 620 tỷ USD, giảm 8,3% cùng kỳ năm trước. Đây là mức thấp nhất cùng kỳ trong 3 năm qua.
Việt Nam tiếp tục ghi nhận cán cân thương mại thặng dư, khi xuất siêu gần 26 tỷ USD, tăng gần 2,5 lần năm ngoái và là mức cao nhất 10 năm trở lại đây. Kết quả này nhờ khu vực nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu hơn 45,8 tỷ USD, trong khi doanh nghiệp trong nước nhập siêu 20 tỷ USD.
"Xuất siêu góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, và hỗ trợ cán cân thanh toán quốc tế", theo Bộ Công Thương. Nhưng xét ở khía cạnh sản xuất, đơn hàng xuất của các lĩnh vực chủ lực (dệt may, da giày, thủy sản, gỗ..) vẫn khó khăn, khiến lượng nhập nguyên liệu, máy móc thấp hơn 10,4% so với năm ngoái, gần 263 tỷ USD. 
Trừ máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện tăng 4% (khoảng 79 tỷ USD), hầu hết các mặt hàng chủ lực, là đầu vào sản xuất đều giảm hai con số. Chẳng hạn, điện thoại các loại và linh kiện giảm xấp xỉ 59%; thép hơn 18%, vải 14%. Nhóm hàng cần kiểm soát cũng hạ17,5%, gần 17 tỷ USD.
Về thị trường, phần lớn các thị trường xuất khẩu chính đều sụt giảm:
Mỹ là nước xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng, đạt trên 88 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ 2022. Trung Quốc đứng thứ 2, gần 56 tỷ USD và là điểm sáng trong bối cảnh xuất khẩu sang hầu hết thị trường chủ lực đều đi lùi.
Tương tự, hàng xuất sang các thị trường truyền thống khác như EU, ASEAN hay Hàn Quốc đều giảm 4-8%. Song nhờ mở rộng và khai thác các thị trường mới, hàng Việt sang các nước Tây Á tăng 7,3%, đạt 7,2 tỷ USD; châu Phi tăng 4%. 
Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc, gần 100 tỷ USD trong 11 tháng.Tiếp theo, Hàn Quốc và ASEAN lần lượt 48 tỷ và 37,6 tỷ USD. Bộ Công Thương dự báo xuất nhập khẩu sẽ khởi sắc hơn trong tháng cuối năm nhờ tăng trưởng một số nền kinh tế lớn tốt hơn kịch bản đưa ra, lạm phát tại Mỹ, Trung Quốc, châu Âu hạ nhiệt. Hàng tồn kho tại các nước đang giảm, nhập khẩu từ các nền kinh tế lớn nhất thế giới, là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam có tín hiệu tích cực.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa (thế giới, trong nước) thường tăng cao vào dịp cuối năm, kích thích xuất khẩu, tiêu dùng nội địa.
Ngoài kích cầu tiêu dùng trong nước, Bộ này cho biết sẽ đẩy nhanh đàm phán, ký các hiệp định, cam kết thương mại với các đối tác tiềm năng (UAE, MERCOSUR) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Bộ Công Thương sẽ cùng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm cho mặt hàng nông sản như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới.

No comments

Powered by Blogger.