'Phạt tiền thay xử tù với tội phạm kinh tế là xu hướng' trên thế giới

Tội phạm tham nhũng, kinh tế nhắm vào tiền nên trừng phạt mạnh về kinh tế là phù hợp và được nhiều nước áp dụng, theo TS Đinh Văn Minh.

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí vừa đề xuất tăng biện pháp phòng ngừa, tạo điều kiện cho người phạm tội tham nhũng, kinh tế khắc phục hậu quả để giảm xử lý hình sự, thay thế bằng khởi kiện dân sự. VnExpress phỏng vấn TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Pháp chế Thanh tra Chính phủ, về đề xuất này.

TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Pháp chế Thanh tra Chính phủ. Ảnh: Hoàng Thùy

- Ông đánh giá thế nào về ý kiến thay xử tù bằng phạt tiền của Viện trưởng VKSND Tối cao?

- Thời gian qua, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế có xu hướng tăng dần, nhưng số tài sản thu hồi so với bị chiếm đoạt, thất thoát còn thấp.

 Theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương, cơ quan thi hành án dân sự các cấp trong 10 năm qua đã thu hồi 61.000 tỷ đồng, đạt 34,7%, trong đó chỉ riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50.000 tỷ đồng, đạt 41,3%. Do đó, khuyến khích tội phạm tham nhũng, kinh tế khắc phục hậu quả để tăng tỷ lệ thu hồi tài sản, hạn chế án hình sự là cần thiết. Phi hình sự hóa các vụ án kinh tế là xu hướng, nhiều nước đang áp dụng, tất nhiên những vi phạm nghiêm trọng vẫn phải xử lý hình sự.

Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) năm 2006 đã nêu rõ: Chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng; áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội nhưng có thái độ thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng. Nghị quyết cũng đặt vấn đề nghiên cứu sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng khoan hồng hơn đối với người đưa hoặc người nhận hối lộ nhưng tự giác khai báo và nộp lại tài sản trước khi bị phát hiện; chú trọng các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng.

Sau đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã thể hiện rõ quan điểm trên. Cụ thể, Điều 40 quy định người bị kết án tử hình về tội Tham ô tài sản, tội Nhận hối lộ mà sau đó chủ động nộp lại ít nhất 3/4 số tiền phạm tội và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm, hoặc lập công lớn thì có thể được giảm xuống chung thân.

Như vậy, việc thay phạt tù bằng phạt tiền đã được quy định trong luật và đang được áp dụng. Như mới đây, ông Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội) đã được tòa phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt từ 8 xuống 5 năm tù khi người nhà nộp 25 tỷ đồng để khắc phục hậu quả trong vụ mua chế phẩm Redoxy-3C trái quy định.

- Trả tiền để không ngồi tù có thể khiến xã hội cho rằng pháp luật không nghiêm minh, không công bằng, ưu ái người có tiền. Ông giải thích thế nào?

- Đây là tội phạm về kinh tế nên hình phạt hướng đến trừng phạt mạnh về kinh tế là phù hợp. Nhiều nước đã cho phép người phạm tội nộp tiền thay cho ngồi tù đối với những hành vi phạm pháp mà việc buộc ngồi tù không cần thiết. Tội phạm kinh tế khi không bị ngồi tù vẫn có thể lao động, làm nghề có ích, không gây mất an ninh trật tự như tội phạm trộm cắp, cướp giật - tất nhiên là phải chịu sự kiểm soát. Trong khi đó, ngân sách Nhà nước lại thu hồi được tiền thất thoát. Ví dụ, cầu thủ bóng đá ở một số nước như Tây Ban Nha, Brazil bị kết tội trốn thuế đã nộp tiền thay vì ngồi tù, và họ vẫn có thể ra sân phục vụ khán giả.

Chúng ta cũng cần phân biệt kết tội và thi hành án. Anh vi phạm pháp luật thì sẽ bị kết tội bằng một bản án, nhưng nếu khắc phục hậu quả tốt thì được xem xét giảm nhẹ hình phạt. Tội danh vẫn sẽ nằm trong lý lịch tư pháp chứ không phải là trả tiền rồi trắng án.

Phạt tiền cũng là hình phạt, chứ không phải sự ưu ái. Có thể có người phải đi vay nợ để khắc phục hậu quả, rồi sau đó lao động vất vả để trả nợ. Đó là cái giá phải trả cho tội lỗi của mình.

Cách đây 24 năm, khi xây dựng Pháp lệnh chống tham nhũng năm 1998, chúng tôi thậm chí còn kiến nghị với tội phạm tham nhũng, kinh tế, ngoài số tiền bắt buộc phải hoàn trả cho Nhà nước, thì cho phép người phạm tội được trả tiền để thay cho hình phạt tù, ví dụ cứ mỗi năm tù trả một tỷ đồng. Tuy nhiên, vì thời điểm đó còn nhiều ý kiến khác nhau nên đề xuất này chưa được tiếp thu.

- Hiện nay tội phạm tham nhũng, kinh tế bị xử lý hình sự nghiêm nhưng số người vi phạm vẫn không giảm. Nếu thay phạt tù bằng phạt tiền sẽ ảnh hưởng thế nào đến tính răn đe của luật pháp?

- Có người lo là khi cho phép nộp tiền để không phải đi tù thì pháp luật sẽ không đủ răn đe, nhưng chúng ta có thể thấy là dù có phạt tù, hay thậm chí tử hình thì tội phạm tham nhũng vẫn còn. Vì tham nhũng là một trong những khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, là lòng tham, là bản ngã của con người. Xử lý đương nhiên quan trọng, nhưng một nhiệm vụ khác cũng quan trọng là thu lại được tiền cho Nhà nước. Cho nên áp dụng các hình phạt phải đạt được mục tiêu, chứ hình phạt không chỉ là để trừng trị cho hả dạ.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nói, xử lý cán bộ tham nhũng quyết liệt nhưng phải rất nhân văn, mở đường cho người ta tiến chứ không phải vùi dập, đập cho người ta chết, không còn đường sống. Thực tế, khi các cơ quan Thanh tra làm nhiệm vụ, thấy dự án có thể có sai phạm nhưng cũng phải tính toán, cân nhắc toàn diện xem họ bỏ cả nghìn tỷ đầu tư rồi, nếu để tồn tại thì có phát triển không, mang lại lợi ích xã hội không, sẽ tạo công ăn việc làm cho bao nhiêu người...

Luật Phòng chống tham nhũng của Singapore cũng đánh mạnh vào lợi ích kinh tế của người tham nhũng và đã cho kết quả rất tốt. Theo đó, tòa án có quyền ra lệnh cho người nhận hối lộ nộp một khoản tiền phạt bằng khoản tiền hối lộ bên cạnh các chế tài trừng phạt khác. Khi đó, quan chức, công chức sẽ không được hưởng lợi ích gì từ hành vi tham nhũng nên sẽ không dám tham nhũng.

- Bên cạnh khuyến khích người phạm tội chủ động khắc phục hậu quả, cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp hiệu quả để thu hồi tài sản tham nhũng. Đề xuất của ông là gì?

- Sở dĩ tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng của chúng ta thấp vì quy định pháp luật thiếu chặt chẽ. Các cơ quan chức năng cần hoàn thiện chính sách về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Trong đó, việc đầu tiên là hoàn thiện thể chế công khai đăng ký tài sản, hạn chế việc lợi dụng khoảng trống pháp lý để tẩu tán, che giấu tài sản.

Các cơ quan phải xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin tài sản đăng ký, đặc biệt là đất đai, tài sản gắn liền với đất. Cần có sự kết nối thông tin giữa cơ quan quản lý tài sản với các cơ quan liên quan như công an, công chứng, ngân hàng, thuế, thi hành án... để theo dõi sự biến động cũng như kịp thời xử lý khi có vi phạm.

Đặc biệt, tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn cần kiểm soát chặt chẽ. Các giao dịch có giá trị lớn của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn phải được thực hiện thông qua ngân hàng để ngăn ngừa giao dịch bất hợp pháp, rửa tiền, tham nhũng.

Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng cần nghiên cứu sửa đổi nội dung để phù hợp với tình hình mới. Ví dụ, phải quy định thu hồi tài sản tăng thêm không giải trình được nguồn gốc và hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp; thời điểm áp dụng các biện pháp phong tỏa tài khoản, kê biên tài sản, số lượng, giá trị các loại tài sản bị kê biên cần linh hoạt.

Pháp luật cũng phải quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, người tiến hành tố tụng, chấp hành viên trong việc áp dụng các biện pháp điều tra để truy nguyên tài sản phạm tội, phong tỏa, kê biên và bán đấu giá tài sản là tang vật của vụ án; đồng thời chú trọng tăng cường hợp tác quốc tế trong xác minh, phong tỏa, thu giữ, chuyển giao tài sản tham nhũng có nguồn gốc từ Việt Nam ở nước ngoài về cho Nhà nước Việt Nam...

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: Hoàng Phong

Ông Trí nhắc lại hoạt động nghiệp vụ của các cơ quan tố tụng, đi đôi với yêu cầu tiến công tội phạm, phải đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội, không hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế. Những vấn đề phức tạp phải tìm hiểu sâu lĩnh vực chuyên môn, lắng nghe giải trình, đảm bảo tính khách quan, toàn diện.

"Xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu nhưng cần giảm nhẹ cho người phải làm theo, do chấp hành mệnh lệnh và không vụ lợi nếu khai nhận, hợp tác tốt, khắc phục không còn hậu quả", ông Trí nói, cho rằng Quy định 102 về kỷ luật đảng viên vi phạm rất nghiêm khắc, dẫn đến tâm lý sợ oan sai, sợ bỏ lọt tội phạm. Điều này tác động đến trách nhiệm của cán bộ làm nhiệm vụ, kể cả trong cơ quan tư pháp.

Cùng với tăng cường kỷ luật, xử lý nghiêm cán bộ tham nhũng, Viện trưởng VKSND Tối cao cho rằng cần bổ sung kịp thời chính sách, pháp luật về quản lý, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ tham nhũng; ban hành nhiều chính sách pháp luật tạo động lực phát triển, thu hút nguồn lực, khuyến khích năng động, sáng tạo, đảm bảo hành lang pháp lý an toàn, hạn chế rủi ro với người thực hiện.

Nếu có khoảng trống thì kẻ xấu sẽ lợi dụng vi phạm, còn không có hành lang pháp lý đảm bảo an toàn thì người tốt sẽ lo sợ rủi ro, không năng động, sáng tạo, không có động lực phấn đấu trong thực hiện nhiệm vụ. "Thực tế việc cố ý làm trái và năng động sáng tạo thì hành vi làm giống nhau, chỉ khác là hậu quả hay hiệu quả mà thôi", ông Trí nói.

Vì vậy, ông kiến nghị Tổng bí thư, Bộ Chính trị và Trung ương xem xét, giao Quốc hội, Chính phủ rà soát, kịp thời ban hành văn bản pháp lý cần thiết, nhằm đảm bảo hai yêu cầu kỷ cương chặt chẽ và có hành lang pháp lý an toàn, hạn chế rủi ro, tạo động lực phát triển. Trước mắt, các cơ quan cần tập trung gỡ vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế; định giá đất để đấu giá hoặc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Báo cáo tổng kết 10 năm phòng chống tham nhũng nêu rõ, các cơ quan kiến nghị thu hồi 975.000 tỷ đồng, 76.000 ha đất, thực tế thu được 61.000 tỷ đồng. Trong đó các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo thu hồi gần 50.000 tỷ đồng.

Trung tướng, Thứ trưởng Công an Nguyễn Duy Ngọc. Ảnh: Hoàng Phong

Tham luận tại hội nghị, trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Công an, cho biết thời gian qua công an đã nhận diện, tham mưu xử lý các "nhóm lợi ích", "sở hữu chéo"; xử lý các ngân hàng yếu kém, góp phần ổn định thị trường tài chính, tiền tệ quốc gia, an toàn hệ thống ngân hàng giai đoạn 2012-2015...

Từ năm 2021 đến nay, dù đại dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, công tác xử lý án tham nhũng "không chùng xuống mà có những bước tiến mới". Điển hình là các vụ án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, ngân hàng, chứng khoán, đất đai, lợi dụng chính sách chống Covid-19 để trục lợi. Nhiều vụ án xảy ra trên phạm vi rộng hoặc trong lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, nhưng đều được phát hiện, điều tra như vụ Công ty Việt Á; lợi dụng các chuyến bay đưa người Việt Nam về nước để trục lợi; Tân Hoàng Minh, FLC...

"Qua điều tra, lực lượng công an đã chứng minh làm rõ yếu tố tư lợi và khẳng định các sai phạm mang tính chất cá nhân, không phải hệ thống. Phần lớn người vi phạm tâm phục, khẩu phục, nhận thức rõ sai phạm, ăn năn, hối lỗi, tự nguyện khắc phục hậu quả và hợp tác mở rộng vụ án, thu hồi tối đa tài sản cho nhà nước", Thứ trưởng Ngọc nói.

Theo ông Ngọc, thực tiễn chống tham nhũng 10 năm qua cho thấy đã xử lý nhiều vụ án nghiêm trọng, nhiều cán bộ cấp cao, nhưng vẫn còn "nhiều đối tượng chưa biết sợ". Vì vậy, các cơ quan cần tiếp tục làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ, để chủ động phát hiện, xử lý vi phạm.



Chiến Binh Thép | Cảnh Sát Cơ Động Official

No comments

Powered by Blogger.